Chính sách hỗ trợ đầu tư lắp đặt kho lạnh bảo quản Thủy sản

Chính sách hỗ trợ đầu tư lắp đặt kho lạnh bảo quản Thủy sản

Theo số liệu báo cáo tại Hội nghị bàn các giải pháp giảm tổn thất sau thu hoạch do Bộ Nông nghiệp & PTNT phối hợp với UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức, lượng hàng hóa thủy sản thất thoát sau thu hoạch là 400.000 tấn/năm tương đương 8.000 tỷ đồng chiếm 21% giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản trong năm 2011. Đó là con số quá lớn bằng nguồn thu ngân sách của tỉnh Kiên Giang trong 5 năm từ 2006-2010. Kiên Giang là địa phương đứng đầu cả nước về hoạt động đánh bắt thủy sản nhưng lại là vùng trũng về công nghệ sau thu hoạch so với cả nước. Việc tổn thất sau thu hoạch trong thủy sản còn gây thiệt hại về yếu tố vô hình như: sức cạnh tranh trên thị trường, chất lượng hàng hóa, thương hiệu hàng thủy sản Việt Nam. Đây cũng là vấn đề bức xúc của địa phương. Lý giải vì sao lại xảy ra tình trạng này Trần Chí Viễn – PGĐ Sở NN&PTNT đưa ra ý kiến: “Sản xuất thủy sản mang tính chất mùa vụ, tính chất này chi phối mọi hoạt động SXKD từ khai thác, nuôi trồng, chế biến, bảo quản đến tiêu thụ sản phẩm. Một khâu nào đó trong chuỗi sản xuất bị ách tắc sẽ ảnh hưỡng nghiêm trọng đến sản xuất chung của cả hệ thống, hiệu quả kinh tế sẽ bị giảm. Thực trạng đang diễn ra là khi chính vụ thì nguồn nguyên liệu thủy sản dồi dào, phải huy động mọi nguồn lực để tiêu thụ hết nguyên liệu trong thời gian ngắn, trong khi các nhà máy chỉ đáp ứng được 50% công suất. Ngược lại, lúc chưa đến mùa vụ hoặc mất mùa thì các doanh nghiệp lại phải nhập nguyên liệu từ nước ngoài để bảo đảm công suất vận hành của nhà máy. 70% nguồn nguyên liệu thủy sản là dành xuất khẩu nên việc quản lý chất lượng đạt chuẩn an toàn thực phẩm (ATTP) là rất cần thiết để thâm nhập thị trường thế giới. Do ngư dân sử dụng nước đá cây và điều kiện hầm bảo quản trên tàu chưa đạt yêu cầu nên việc tổn thất sau thu hoạch của chuyến biển dài ngày rất lớn lên đến 20-30%. Hệ thống kho lạnh trên tàu cá sẽ giải quyết được vấn đề làm giảm giá trị hải sản. Hệ thống kho lạnh dự trữ thủy sản còn có tác dụng điều tiết các chuỗi SXKD hạn chế mặt tiêu cực của tính thời vụ, tính không ổn định của thị trường.

Tuy nhiên, việc xây dựng lắp đặt kho lạnh để dự trữ và cho thuê cần nguồn vốn đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn lâu, nếu không được nhà nước hỗ trợ về tín dụng sẽ rất khó khăn.

Theo thống kê vào 10/2009 trên địa bàn các tỉnh, thành ở miền tây Nam bộ có 406 kho lạnh (375 kho lạnh sản xuất, 31 kho lạnh thương mại) tổng công suất đạt 263.410 tấn chiếm 55,7% tổng công suất kho lạnh toàn quốc. Hệ thống kho lạnh có sự phân bố và trình độ công nghệ không đồng đều. Nhiều kho nhỏ, thiết bị xuống cấp, nhiệt độ bảo quản không đạt -18oC, hệ thống cách nhiệt chưa đảm bảo nên dao động nhiệt độ lớn trong quá trình nhập, xuất hàng.
Kiên Giang là trung tâm trọng điểm của sản xuất, chế biến thủy sản cũng chưa có kho lạnh đạt chuẩn, số lượng kho lạnh cũng chưa đáp ứng nhu cầu phân phối lưu thông thủy sản nội địa. Định hướng đến năm 2020 hệ thống kho lạnh của tỉnh Kiên Giang đạt công suất 34.000 tấn; riêng kho lạnh, hầm lạnh lắp trên tàu cá không hạn chế về số lượng.
Kiên Giang có trên 12.000 tàu đánh cá nhưng việc trang bị kho lạnh, hầm lạnh bảo quản trên tàu chưa đạt tiêu chuẩn bảo quản sản phẩm sau đánh bắt nên việc tổn thất sau thu hoạch rất lớn.

Để phát triển hệ thống kho lạnh, hầm lạnh bảo quản sản phẩm thủy sản một cách có hiệu quả cần huy động mọi nguồn lực xã hội tham gia. Việc đầu tư xây dựng và khai thác dịch vụ hệ thống kho lạnh do doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế thực hiện với sự hỗ trợ, giúp đỡ của nhà nước bằng các chính sách ưu đãi về mặt bằng, thuế, vốn vay tín dụng,..
Phát triển hệ thống kho lạnh gắn liền với tàu đánh bắt hải sản, vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá lớn thuận tiện cho việc phân phối lưu thông, bốc dỡ hàng hóa. Đầu tư kho lạnh theo hướng áp dụng công nghệ tiên tiến đạt điều kiện đảm bảo về ATTP và bảo vệ môi trường. Chính phủ đã ra Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 23/9/2009 về cơ chế, chính sách giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản.
Việc đầu tư các kho lạnh của các doanh nghiệp để thu mua nguyên liệu thủy sản tạm trữ được áp dụng theo cơ chế hỗ trợ tại Quyết định số 63/2010/QĐ-TTg ngày 15/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ cụ thể là: được áp dụng lãi suất tín dụng đầu tư phát triển; miễn tiền thuê đất; được hỗ trợ 20% kinh phí giải phóng mặt bằng; 30% kinh phí hoàn thiện kết cấu hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào;

Ngoài ra, nếu là doanh nghiệp mới thành lập tại địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn (theo danh mục địa bàn ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp ban hành kèm theo Nghị định số 124/2008/NĐ-CP ngày 11/12/2008 của Chính phủ) được áp dụng mức thuế suất 20% trong 10 năm, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 2 năm và giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong 4 năm tiếp theo.
Nếu là doanh nghiệp mới thành lập tại địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn được áp dụng mức thuế suất 10% trong 15 năm, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm và giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong 9 năm tiếp theo
Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các ngành, cơ quan hữu quan tạo điều kiện thông thoáng cho các nhà đầu tư được tiếp cận chính sách ưu đãi. Tuy nhiên về phía Doanh nghiệp cần thực hiện các bước sau:
Lập dự án đầu tư trình UBND tỉnh phê duyệt để được hưởng chính sách hỗ trợ về đất, thuế của địa phương.
Doanh nghiệp cần cân nhắc, tham khảo, lựa chọn các tổ chức, cá nhân sản xuất kho lạnh, máy móc, thiết bị lạnh trong nước sản xuất đã được Bộ Nông nghiệp & PTNT công bố.
Sau khi có Dự án, để tiếp cận với nguồn vốn hỗ trợ ưu đãi đầu tư, doanh nghiệp chủ động liên hệ với các đơn vị thực hiện theo hướng dẫn tại Điều 4 Thông tư số 22/2012/TT-NHNN ngày 22/6/2012 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn thực hiện Quyết định số 63/2010/QĐ-TTg ngày 15/10/2010 và Quyết định số 65/2011/QĐ-TTg ngày 02/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản.

Một trong những giải pháp quan trọng để phát triển hệ thống kho lạnh thủy sản là thiết lập được các hình thức chuỗi liên kết tổ chức sản xuất – thu mua – dự trữ – chế biến – lưu thông – tiêu thụ sản phẩm thủy sản.
Tổ chức lại sản xuất theo hướng gắn giữa chế biến thủy sản với sản xuất, thu mua, dự trữ tạo sự liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp chế biến thủy sản với ngư dân thông qua hình thức góp vốn cổ phần, phát hành cổ phiếu và hợp đồng thu mua, ký gửi sản phẩm hàng hóa.
Doanh nghiệp chế biến thủy sản đóng vai trò chủ đạo để ngư dân tiếp cận với cách giao dịch mua bán hiện đại, trực tiếp tham gia vào thị trường dần dần xóa bớt đầu mối trung gian tạo hài hòa về lợi ích giữa người sản xuất, người làm dịch vụ và người tiêu thụ, góp phần ổn định thị trường.
Các thành phần kinh tế, hội nghề nghiệp thủy sản, tổ chức nghiệp đoàn nghề cá mạnh dạn thành lập doanh nghiệp chuyên doanh sản xuất, thu mua, dự trữ, vận chuyển cùng với doanh nghiệp chế biến tạo sự ổn định và chủ động điều tiết thị trường.
Phối hợp với các sở ngành liên quan đề xuất tỉnh xây dựng mới và hoàn tất và đưa vào hoạt động các chợ đầu mối thủy sản, tạo lập mô hình mới về tổ chức mua bán thủy sản hiện đại, tiên tiến so với các nước có thế mạnh về thủy sản.
Chúng tôi hy vọng với những chính sách hỗ trợ của nhà nước, UBND tỉnh có hướng chỉ đạo các cơ quan ban ngành giúp doanh nghiệp, ngư dân phần nào cải thiện được chất lượng sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng hàng hóa, tạo thương hiệu cho ngành hàng thủy sản giữ vững thế mạnh dẫn đầu cả nước về hoạt động thủy sản